2011-2020: Nhìn lại mười năm chặng đường của tựa game Đế chế

13:14 - Thứ 5, ngày 11/02/2021


Ra mắt phiên bản đầu tiên từ ngày 15/10/1997, tựa game Age of Empire (Còn được gọi là Đế chế chiến thuật) đến nay đã có lịch sử hơn 20 năm tồn tại và phát triển. Trò chơi này sớm được du nhập vào Việt Nam từ cuối thập niên 90 - đầu những năm 2000 và trở thành trò chơi huyền thoại với tuổi thơ của bao thế hệ. Trên dải đất hình chữ S, nhất là ở các tỉnh phía Bắc, AoE phổ biến đến mức nó gần như trở thành một trào lưu, hiện tượng, một tựa game được coi là "quốc dân". Tuy nhiên phải đến năm 2011, khi giải đấu AoE Lenovo Cup khởi tranh, hạt giống cho sự phát triển mạnh mẽ của AoE mới chính thức được gieo xuống. 

 

Hôm nay đã là ngày 30 Tết, ngày cuối cùng của năm Canh Tý 2020, đây tạm coi là thời khắc đánh dấu hành trình ấn tượng 10 năm của tựa game AoE, vậy hãy cùng chúng tôi dành chút thời gian để nhìn lại những thay đổi lớn nhất trong hành trình này.

 

1. Chiến thuật trong "D3KT" đạt đến đỉnh cao

 

Ra đời với mục đích tăng sự hấp dẫn và kịch tính cho game, bộ luật "Đời ba không thành chòi (D3KT)" đã hoàn thành tốt sứ mạng của nó khi trở thành bộ luật được cộng đồng ưa chuộng nhất, đồng thời được sử dụng rộng rãi trong hầu hết các kèo đấu AoE từ nghiệp dư cho tới chuyên nghiệp. Từ sau thất bại trong nội dung solo random tại Lenovo Cup 2011, các game thủ chuyên nghiệp liên tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện thêm các lối đánh trên D3KT, cùng với đó là sửa đổi bộ luật cho phù hợp. Đến nay, có thể khẳng định rằng D3KT với rất nhiều thể thức thi đấu từ solo tới 4vs4, random cho tới cung R,.... đã hội tụ được những gì được cho là tinh túy nhất của tựa game AoE1.

 

2. "Game thủ" đã được coi là một cái nghề

 

Dù AoE là tựa game ra đời rất sớm và đặt nền móng cho khái niệm trò chơi điện tử tại Việt Nam, tuy nhiên phải đến vài năm trở lại đây, với sự phát triển của Esport trên Thế giới, AoE mới dần trở nên chuyên nghiệp hóa và "game thủ" mới được xã hội công nhận là một nghề nghiệp. Tuy vẫn còn tồn tại không ít định kiến, song việc có thể kiếm được tiền nhờ vào công việc chơi game với thu nhập ổn định có thể coi là mộ thành công rất lớn đối với cá nhân các gamer và cộng đồng fan hâm mộ của tựa game AoE. Bởi đó là tín hiệu tích cực cho sự phát triển của tựa game huyền thoại này trong một thời gian dài về sau.

 

Các game thủ clan AoE Nghệ An trong phòng thi đấu

 

3. Chim Sẻ Đi Nắng: từ thần đồng trở thành huyền thoại

 

Tại giải đấu Lenovo GameTV Cup 2011, thần đồng AoE Chim Sẻ Đi Nắng có màn ra mắt chính thức với cộng đồng AoE hai Nước Việt - Trung ở một giải đấu lớn. Thời điểm đó Chim Sẻ Đi Nắng mới chỉ 15 tuổi, dù có tố chất của một thiên tài song những hạn chế về kinh nghiệm nhanh chóng được bộc lộ khi anh phải đối đầu với gã khổng lồ Shenlong trong trận chung kết. Sau thất bại ấy, Chim Sẻ Đi Nắng tiếp tục chinh chiến trên nhiều đấu trưởng đỉnh cao và trau dồi bản thân. Khoảng thời gian 10 năm qua, cộng đồng đã chứng kiến một con người từ thần đồng trưởng thành lên huyền thoại với trình độ thượng thừa, và bằng chứng là hàng loạt chức vô địch danh giá. Ở thời điểm hiện tại, Chim Sẻ Đi Nắng đang là con người toàn diện, hoàn hảo nhất cộng đồng AoE1 trên Thế giới.

 

Chức vô địch solo random của Chim Sẻ Đi Nắng tại AoE Việt Trung 2021

 

4. Bản đồ Clan AoE được vẽ lại

 

Bắt nguồn từ phong trào trong các quán Internet với tính tự phát, cộng đồng AoE Việt Nam đã trải qua rất nhiều giai đoạn phát triển và thay da đổi thịt. Thập niên 2000, địa bàn thành phố Hà Nội nổi lên những cái tên như Tô Hiệu, Thành Công, Nam Đồng, Tam Giác BK,... sau đó là Song Long, Chùy Lông, Indoorgame... Cho đến những năm 2011-2012, cộng đồng AoE Việt Nam bước vào giai đoạn định hình sự phát triển chuyên nghiệp với các clan Hà Nội, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, GameTV, Thái Bình, Trường Phát. Sau nhiều thay đổi và biến động, đến nay AoE chuyên nghiệp Nước ta ghi nhận sự có mặt của 7 clan trực thuộc hai công ty chủ quản, bao gồm: Hà Nội, BiBi Club (VEC) và Thái Bình, Sparta, Skyred, Nghệ An, Sài Gòn New (EGO). Bên cạnh đó, clan Hà Nam của VEC vừa công bố tạm dừng hoạt động và chưa hẹn ngày trở lại, trong khi Clan 6699 gồm các game thủ Trung Quốc vẫn đang trong tình trạng duy trì và chờ đợi ngày tái quật khởi.

 

7 Clan thi đấu chuyên nghiệp trong năm 2021

 

Cùng với sự biến chuyển nói trên, AoE chuyên nghiệp đã ghi nhận những thế hệ người chơi đến, người đi và cả những người ở lại. Sau lời tuyên bố giải nghệ của rất nhiều lớp đàn anh, sự xuất hiện của những cái tên như Chim Sẻ, Hồng Anh, BiBi, Chipboy, Cam Quýt, HeHe... sau này đã tiếp tục đốt cháy ngọn lửa đam mê và đưa AoE lên tầm cao mới. Mặt khác, một số "tiền bối" như Yugi, Hoàng Mai Nhi, Vanelove... vẫn lựa chọn theo đuổi AoE dù có tuổi đã ngoài 30 cho thấy rằng, tình yêu với Đế chế với họ là bất diệt.

 

5. AoE Trung Quốc loay hoay trên con đường phục hưng

 

Cũng giống như Việt Nam, nền AoE tại đất nước láng giềng đã trải qua rất nhiều giai đoạn thăng trầm. Mặc dù sở hữu những chiến binh tinh nhuệ, song ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố như khoảng cách địa lý, mâu thuẫn cộng đồng, thể thức cung R kém đa dạng, phải cạnh tranh với các tựa game mới, không có lớp trẻ kế thừa,... đã khiến cho nền AoE Trung Quốc không thể có đột phá mới, thậm chí đánh mất hào quang năm xưa. Từ khoảng 2015-2016, chính người Trung đã để tuột những chiếc cúp vô địch cung R vào tay Chim Sẻ Đi Nắng. Từ đó đến nay, vị thế trong Thế giới AoE của hai Đất Nước trở nên trái ngược khá nhiều.

 

Các game thủ Trung Quốc gia nhập Clan 6699 (đội hình giai đoạn 2019)

 

Đầu quý 2 năm 2019, các game thủ Trung Quốc xuất ngoại sang Việt Nam, tham gia hoặc thành lập một số clan với hy vọng phục hưng nền AoE. Tuy nhiên chưa đầy một năm sau, những yếu tố khách quan lại một lần nữa khiến cộng đồng AoE Trung Hoa rơi vào một nốt trầm. Mong rằng trong thời gian sớm nhất, AoE Trung Quốc sẽ tìm được một con đường đi đúng đắn và bền vững hơn để tiếp tục tạo nên thế cân bằng giữa hai Đất Nước.

 

6. Sự sụp đổ của Garena LAN và cơ hội cho các nền tảng chơi AoE "made in Vietnam"

 

Tháng 1/2020. Garena tuyên bố đóng cửa LAN games, chính thức chấm dứt hoạt động nền tảng chơi AoE Online phổ biến nhất tại Việt Nam trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Đó thực sự là một thách thức đối với việc duy trì ngọn lửa đam mê của cộng đồng đã "già cỗi", nhưng cũng là cơ hội mở ra cho các nền tảng chơi AoE online "made in Vietnam". Trước đó, nền tảng GameTV Plus cũng đã thu về một số lượng người chơi nhất định. Sau đó, sự ra đời của EGO Play còn nâng tầm tựa game AoE với nhiều tính năng của Esport như hệ thống tính điểm xếp hạng, mùa giải Ranking, Ngôi đền huyền thoại... Thêm vào đó, EGO Play còn ra mắt thành công phiên bản dành cho cộng đồng Trung Quốc và tổ chức thành công giải đấu AoE Việt Trung Online 2021, hứa hẹn mở ra một chương mới cho sự phát triển của tựa game này ở hai Nước Việt, Trung.

 

7. Những phiên bản mới của tựa game AoE được ra đời

 

AoE1 mà cộng đồng Việt Nam, Trung Quốc đang chơi chỉ là một phiên bản trong "bộ sưu tập" game chiến thuật của nhà phát hành Microsoft. Ngoài AoE1, họ còn rất thành công với AoE2, 3 với lượng người chơi đến từ khắp các khu vực trên Thế giới. Trong giai đoạn từ 2011 đến nay, khá nhiều phiên bản nâng cấp đồ họa, vá lỗi cho các game trên được ra đời. Ngay cả với AoE1, phiên bản AoE HD với đồ họa sắc nét và góc nhìn rộng cũng là lựa chọn của rất nhiều game thủ nghiệp dư ở thời điểm hiện tại. 

 

Phiên bản AoE với góc nhìn rộng

 

Ngoài ra, vào năm 2018 Microsoft còn cho ra mắt phiên bản AoE DE với đồ họa 3D và một số thay đổi trong gameplay. Tuy không phổ biến tại Việt Nam, song tựa game này cũng thu hút được một số game thủ đến từ phương Tây với sự hoài niệm về một tựa game huyền thoại.

 

8. Sự bùng nổ của các nền tảng livestream

 

Nếu như trước đây, các fan hâm mộ AoE khá vất để có thể theo dõi một trận đấu AoE khi phải tìm link sopcast, hay phải xem một trận đấu với chất lượng hình ảnh quá tệ trên youtube,... thì giờ đây, với sự bùng nổ của các nền tảng livestream, khán giả đã có thể thưởng thức các trận đấu tuyệt vời với chất lượng 1080p - 60fps. Sự phát triển của Youtube Gaming hay Facebook Gaming cũng kéo theo sự phát triển chung của nền AoE Việt Nam với hàng loạt những hợp đồng livestream được ký kết, với nhiều trận đấu, giải đấu được quay phát cùng các BLV chất lượng,... Đó cũng là một phần lý do khiến các game thủ Trung Quốc chẳng ngại đường xa mà sang dải đất hình chữ S để theo đuổi sự chuyên nghiệp và mong muốn phục hưng AoE.

 

 

Vậy là chúng ta đã cùng nhau điểm lại những thay đổi lớn nhất, ấn tượng nhất của cộng đồng AoE trong 10 năm qua. Chì còn vài giờ đồng hồ nữa thôi, cộng đồng AoE hai Nước Việt - Trung sẽ cùng nhau bước sang năm mới 2021, một năm hứa hẹn sẽ lại rất tuyệt vời, rất đáng mong đợi của cộng đồng AoE với nhiều trận đấu hay, giải đấu hấp dẫn cùng những bước chuyển mình mới. Và biết đâu đấy, 2021 sẽ lại là một năm đánh dấu cột mốc phát triển 10 năm tiếp theo rực rõ và huy hoàng của tựa game huyền thoại AoE?  

Đình Chiến

Có thể bạn quan tâm

Tập chơi Đế Chế #3: Giới thiệu các tài nguyên trong AoE và cách khai thác hiệu quả nhất

Ở phần thứ 3, aoe.vn sẽ giới thiệu các loại tài nguyên cần thiết trong game Đế Chế, đồng thời tổng hợp lại các phương pháp (hoặc mẹo nhỏ) để giúp người...

Đức Tuấn - 27/11/2024

Xác định các cặp đấu Vòng sơ loại 2 Solo Assyrian giải đấu AoE Thiên Khôi III

Khép lại vòng sơ loại đầu tiên, thể thức Solo Assyrian của giải đấu AoE Thiên Khôi lần III đã xác định được các cặp đấu của vòng sơ loại kế tiếp.

Trà My - 25/11/2024

EGOPLAY tổ chức giải đấu Tri Ân Khách Hàng, cấm game thủ top, tổng giải hơn 41.000.000 VNĐ

THÔNG BÁO TỔ CHỨC GIẢI ĐẤU 4VS4 RANDOM - TRI ÂN KHÁCH HÀNG THÂN THIẾT EGOPLAY

Chu Xuân Rơi - 23/11/2024

Kết quả chia bảng và lịch thi đấu vòng sơ loại 1 Solo Assyrian giải đấu AoE Thiên Khôi lần 3

Ngay sau khi Cúp Tinh Hoa khép lại, cộng đồng AoE Việt Nam và Trung Quốc sẽ đến với giải đấu tiếp theo là AoE Thiên Khôi lần 3.

Đình Chiến - 21/11/2024

Lịch thi đấu

Trận đấu mới nhất