11:23 - Thứ 6, ngày 09/07/2021
Legion Romana tức Quân đoàn La Mã, Binh đoàn La Mã là một đơn vị tổ chức của Quân đội La Mã trong giai đoạn từ Cộng hòa La Mã tới Đế quốc La Mã. Legion Romana được phiên âm là Lê dương La Mã, đây là lực lượng nòng cốt của Quân đội La Mã bao gồm những lính bộ binh hạng nặng, kèm theo quân đồng minh hỗ trợ và những lực lượng khác như kỵ binh, bộ binh nhẹ. Về mặt từ nguyên, trong tiếng Latinh legion có nghĩa là "chế độ quân sự cưỡng bách", có nguồn gốc từ lego nghĩa là tập trung. Trong giai đoạn mở rộng lãnh thổ thời Cộng Hòa La Mã, lực lượng bộ binh nặng trong Quân đoàn được chia thành 3 tuyến quân với các Maniple (Tiểu đoàn). Đây là lực lượng nòng cốt quyết định chiến thắng của Lê Dương La Mã trước các vương quốc Hy Lạp. Với những thành công về mặt quân sự thời kỳ Cộng hòa La Mã và sau này là Đế chế La Mã, mô hình Lê dương luôn được coi là một trong những mô hình tổ chức quân sự ưu tú nhất mọi thời đại.
La Mã bắt đầu áp dụng mô hình Maniple vào khoảng cuối thế kỷ thứ 4 TCN. Băn đầu, quân đội La Mã có trang bị, chiến thuật và tổ chức giống hệt Hoplite Hy Lạp. Nhưng trong thời gian đầu tồn tại, La Mã liên tục xung đột với những thế lực trên bán đảo Italia như người Samnite, người Estruscan và nguy hiểm nhất là những bộ tộc Celts phía bắc Italy. Những thất bại khủng khiếp, như trận Allia đã thúc đẩy La Mã học hỏi từ kẻ thù và vận dụng những hệ thống tổ chức linh hoạt hơn. Cùng với sự phát triển về tổ chức và chiến thuật, trang bị của quân đội La Mã cũng hoàn toàn thay đổi.
1. Trang bị
Thời kỳ Cộng hòa La Mã, bộ binh nặng được chia thành 3 tuyến ứng với kinh nghiệm, tài sản và kỹ năng của người lính bao gồm: Hastati, Principles và Triarii. Trong đó trang bị của Hastati là nhẹ nhất so với 2 tuyến còn lại và trang bị của Triarii là tốt nhất. Nhưng nhà nước vẫn cung cấp những trang bị cơ bản, vì vậy Lê Dương La Mã thời kỳ này vẫn có mức độ tiểu chuẩn hóa nhất định.
Vũ khí: Hai tuyến đầu Hastati và Priciples đều sử dụng vũ khí chính là 1 thanh kiếm gladius. Theo các nhà sử học hiện đại, người La Mã học hỏi và tiếp nhận loại vũ khí này từ những bộ tộc Celtiberians ở Tây Ban Nha vào khoảng thế kỷ thứ 3 TCN. Thanh kiếm 2 lưỡi dài 68cm, toàn bộ thanh kiếm tính cả chuôi sẽ dài khoảng 85cm, nặng khoảng 1kg, được mô tả là loại vũ khí "đâm và chém" hoàn hảo. Ngoài ra mỗi người lính còn mang theo 2 cây lao pilum, một nặng một nhẹ. Trong trận chiến, lính La Mã sẽ ném 2 cây lao này vào hàng ngũ của kẻ thù trước khi rút kiếm lao vào cận chiến. Lao pilum được học hỏi từ người Samnite và được thiết kế để mũi lao bị bẻ cong sau khi găm vào mục tiêu khiến nó không thể rút ra được.
Tuyến quân cuối cùng, Triarii sử dụng vũ khí chính là 1 ngọn giáo Hasta dài 2m, ngọn giáo này ngắn hơn giáo của Hoplite Hy Lạp nhưng khi kết hợp hợp với khiên, nó cũng tạo ra được một bức tường khiên và giáo đủ để làm nản lòng kẻ thù. Lính Triarii cũng được trang bị một thanh Gladius, vì vậy họ vẫn rất nguy hiểm khi cận chiến.
Khiên: Lính Lê Dương La Mã cả ở 3 tuyến đều sử dụng khiên Scutum, một loại khiên thông dụng đối với các dân tộc bản địa Ý. Đây là một loại khiên hình chữ nhật, dài 1,05m rộng 40cm, cong về phía trước với một núm kim loại ở chính giữa khiên có thể dùng để tấn công kẻ địch. Tấm khiên dày 5 - 6mm, và nặng khoảng 5,8 - 6,8kg. Tấm khiên này đủ nhẹ để người lính cầm bằng một tay, trong khi có độ che phủ khá tốt, rất phù hợp với cận chiến tầm gần bằng kiếm, người lính sử dụng Scutum có thể che kín gần như toàn bộ cơ thể trong khi vẫn tấn công được đối phương.
Giáp trụ: Trong 3 tuyến quân, Hastati là lực lượng được trang bị nhẹ nhất, thường chỉ có một tấm giáp che ngực và giáp cẳng chân, nhưng điều này cũng khiến họ trở thành tuyến quân có tốc độ nhanh nhất. Hai tuyến quân còn lại được trang bị tốt hơn. Chủ yếu, lê dương La Mã ở 2 tuyến sau sử dụng giáp Lorica hamata, một loại áo giáp dạng lưới mà người La Mã vay mượn từ các chiến binh người Celts. Áo giáp được làm từ các vòng sắt có đường kính 7 - 9mm, Giáp vai có hình dáng khá giống với giáp Linothorax của người Hy Lạp, chỉ có điều cũng làm từ những vòng sắt. Lính Triarii là lực lượng được trang bị tốt nhất và thỉnh thoảng có sử dụng loại giáp đồng che kín ngực và lưng tương tự như giáp Panoply của Hy Lạp.
Người La Mã cũng vay mượn từ người Celt loại mũ Montefortino, được sử dụng cho đến tận thế kỷ thứ I SCN. Loại mũ này có phần che má và gáy.
Lính Lê Dương La Mã còn sử dụng một loại xăng đan đóng đinh gọi là Caligae, loại dép này có tác dụng chống trơn trượt rất tốt, làm tăng tốc độ hành quân và cũng có thể sử dụng để đạp những kẻ thù đã ngã xuống.
2. Huấn luyện
Qua năm tháng, quân đội La Mã luôn thể hiện là đội quân chuyên nghiệp có hệ thống kỷ luật khắt khe và được huấn luyện cao độ. Lính Lê Dương La Mã được huấn luyện bài bản với rất nhiều bài tập từ hành quân, sử dụng vũ khí, thiết lập đội hình đến huấn luyện chiến thuật.
Theo như Vegetius, trong 4 tháng huấn luyện tân binh, hành quân là bài tập đầu tiên trong quân đội. Bài tập sẽ nâng dần từ theo cấp độ, băn đầu, tân binh sẽ phải hoàn thành bài tập hành quân 30km với 20kg trang bị trong vòng 5 giờ, sau đó tăng lên 36km với 20kg trang bị trong vòng 5 giờ. Bên cạnh đó cũng có những bài huấn luyện khác như thể dục, bơi lội nhằm tăng cường thể lực và sức khỏe của người lính.
Sau giai đoạn này, tân binh sẽ được huấn luyện về vũ khí, lính Lê Dương sẽ sử dụng kiếm và lao gỗ nặng gấp đôi vũ khí thật, trong khi mặc đầy đủ giáp trụ để tăng cường sức mạnh. Tiếp theo, họ sẽ được huấn luyện chiến đấu 1 chọi 1, bước này gọi là Armatura, với cường độ huấn luyện tương tự như với các võ sĩ giác đấu. Trong mùa đông, việc huấn luyện được tiến hành trong nhà.
Lính Lê Dương cũng được huấn luyện để hoàn toàn tuân theo mệnh lệnh cấp trên cũng như sử dụng đội hình trong giao chiến.
Sau khi hoàn thành chương trình huấn luyện, người lính sẽ đọc lời thề trung thành với Nền Cộng hòa La Mã và sẽ được cấp chứng chỉ, chứng nhận đủ tiêu chuẩn gia nhập quân đội.
3. Chiến thuật
Lực lượng bộ binh binh hạng nặng La Mã được chia thành 3 tuyến, mỗi tuyến có 10 Maniples, mỗi Maniples có 120 lính (với Hastati và Principles) và 60 lính (với Triarii), kèm theo 300 kỵ binh và 1200 bộ binh nhẹ. Mỗi quân đoàn sẽ có quân số 4500 người. Mỗi quân đoàn Lê Dương sẽ kèm theo 1 Quân đoàn đồng minh.
Trong trận chiến, 3 tuyến bộ binh hạng nặng thường được sắp xếp với lực lượng Hastati ở tuyến đầu, Principles ở tuyến giữa và Triarii ở tuyến sau cùng. 3 tuyến này sẽ được xếp so le với nhau, các Maniples ở mỗi tuyến sẽ cách nhau với khoảng cách đúng bằng chiều rộng đội hình của mỗi Maniples. Sau khi bộ binh hạng nhẹ khai chiến, họ sẽ rút lui thông qua những khe hở giữa các Tiểu đoàn, sau khi việc rút lui hoàn tất, các khe hở sẽ được lấp đầy và tuyến quân sẽ tạo thành một hàng ngũ vững chắc. Trong trường hợp giao chiến ở tuyến đầu bất lợi, Hastati sẽ rút lui qua các khoảng trống ở tuyến sau, để Principles tiếp tục chiến đấu. Trong khi đó Triarii ở tuyến cuối cùng, quỳ trên một chân và sẽ chỉ giao chiến trong trường hợp rất cần thiết khi cả 2 tuyến đầu đã thất bại để đảm bảo 1 cuộc rút lui có trật tự.
Tuy nhiên, đây chỉ là chiến thuật thông thường, việc chia nhỏ những phalanx dày đặc và cứng nhắc thành những tiểu đoàn linh hoạt sử dụng đoản kiếm, đã giúp cho các quân đoàn La Mã có thể sử dụng những chiến thuật và những đội hình khác nhau một cách rất linh hoạt, thậm chí toàn bộ 3 tuyến quân có thể kết hợp thành 1 tuyến duy nhất ví dụ như trong trận Zama, hoặc thay đổi cách sắp xếp đôi hình ngay trong trận chiến tùy theo yêu cầu của tình hình chiến sự.
4. Chỉ huy
Đơn vị chiến đấu căn bản của Lê Dương La Mã thời kỳ này là các Maniples (Tiểu đoàn), mỗi Tiểu đoàn có 2 Đại đội, mỗi đại đội được chỉ huy bởi 1 Centurion. Chỉ huy Tiểu đoàn sẽ là Centurion có nhiều kinh nghiệm hơn. Trong mỗi quân đoàn có 6 Tribunus (Quan giám quân), đây là những sỹ quan của quân đoàn và cũng được phân công chỉ huy lực lượng riêng. Mỗi quân đoàn Lê Dương sẽ được hỗ trợ bởi 1 quân đoàn Đồng Minh, Cả hai quân đoàn sẽ được chỉ huy bởi 1 trong 2 chấp chính. Như vậy, với 4 quân đoàn thường trực sẽ có 24 quan giám quân. Thời kỳ sau này, khi chiến tranh xẩy ra thường xuyên hơn và thời gian chiến tranh kéo dài hơn, La Mã cho chiêu mộ thêm nhiều quân đoàn mới tùy theo tình hình chiến sự. Khi đó, các quan giám quân sẽ được chỉ định chỉ huy các quân đoàn bổ sung, 1 cặp 2 Tribunus sẽ thay nhau chỉ huy 1 quân đoàn trong nhiệm kỳ 2 tháng, trong khi quan chấp chính sẽ hoạt động như Tổng chỉ huy quân đội. Ví dụ như trong trận Cannae, Chiến tranh Punnic lần 2, mỗi quan chấp chính chỉ huy 1 lực lượng 40.000 quân, tương đương 8 quân đoàn.
Các chỉ huy La Mã nhìn chung là khá tự tin với thẩm quyền của mình. trong các trận đánh, các Tribunus khá thường xuyên thực hiện chức năng chỉ huy, tập hợp binh lính, thậm chí là hành quyết tại chỗ những binh lính bỏ chạy.
5. Điểm yếu
Tuy là một lực lượng tương đối linh hoạt và cơ động, Binh đoàn La Mã với nòng cốt là lực lượng bộ binh hạng nặng vẫn cần phải được bảo vệ trước những đối thủ có thế mạnh về kỵ binh. Những thất bại trong lịch sử quân sự La Mã thời kỳ này thường có chung 1 kịch bản, đó là kỵ binh La Mã bị tiêu diệt, sau đó lực lượng bộ binh còn lại bị bao vây tiêu diệt nốt, như trong trận Cannae, trận Carrhae.... Lực lượng kỵ binh trung bình của La Mã thường thất bại nếu phải đối đầu với những đội quân chuyên về kỵ binh vì vậy La Mã cần phải có những lực lượng kỵ binh khác mạnh mẽ hơn để hỗ trợ hoặc phải sử dụng những chiến thuật phù hợp với từng tình huống nhất định để có thể dành chiến thắng.
Tuy nhiên, đến tận khi sụp đổ, mô hình quân sự La Mã vẫn được đánh giá là vượt trội và xuất sắc, lý do chính dẫn đến sự thất bại nhìn chung là do các yếu tố chính trị và sự lãnh đạo kém cỏi chứ ko phải do mô hình tổ chức.
Ngay sau khi Cúp Tinh Hoa khép lại, cộng đồng AoE Việt Nam và Trung Quốc sẽ đến với giải đấu tiếp theo là AoE Thiên Khôi lần 3.
Đình Chiến - 21/11/2024
Nhằm cổ động và thúc đẩy phong trào AoE, một số địa phương vẫn duy trì các giải đấu Tỉnh thường niên, điển hình là Thanh Hóa. Tuy nhiên, tin buồn là AoE Thanh...
Phong Trần - 20/11/2024
Với bộ quy tắc được xây dựng khoa học, tỉ mỉ, dựa trên cơ sở bộ luật chuẩn D3KT của cộng đồng AoE Việt Nam - Trung Quốc, nền tảng EGOPLAY sẽ giúp cho trải...
Phong Trần - 19/11/2024
Tin vui cho cộng đồng AoE khu vực phía Nam là giải đấu AoE Miền Nam Open sẽ chính thức được trở lại trong năm nay, ngoài ra giải đấu cũng có thể đem đến cả...
Phong Trần - 18/11/2024