So sánh Maniple La Mã và Phalanx Hy Lạp - Phần 2: Phalanx Hy Lạp

13:26 - Thứ 6, ngày 02/07/2021


Phalanx (tiếng Hy Lạp cổ: φάλαγξ, tiếng Hy Lạp hiện đại: φάλαγγα, phiên âm: phālanga, số nhiều: φάλαγγες, phiên âm: phālanges), thường được chuyển ngữ Việt là Phương trận, là một đội hình quân sự số đông hình chữ nhật, thường được tập hợp hoàn toàn từ bộ binh nặng, thuật ngữ này đặc biệt sử dụng cho đội hình chiến tranh Hy Lạp cổ đại. Bản thân từ ‘phalanx’ không được dùng chỉ một loại biên chế đơn vị quân sự như Binh đoàn La Mã hoặc sư đoàn hiện đại), mà chỉ là một đội hình tổng quát của binh sĩ trong một đội quân. Các thành bang Hy Lạp Cổ Đại và các vương quốc Hy Lạp sau này đều sử dụng đội hình Phalanx được cấu tạo thành từ những lính bộ binh hạng nặng Hoplite hay Phalangites, những lực lượng này luôn đóng vai trò chủ lực trong quân đội của các thành bang và vương quốc thuộc nền văn minh Hy Lạp .Vào khoảng thế kỷ thứ 7 hoặc thứ 8 trước CN. Các thành bang Hy Lạp bắt đầu áp dụng đội hình Phalanx với những lính bộ binh hạng nặng là công dân tự do của các thành bang - Hoplite. Lực lượng này đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của Hy Lạp trong hai cuộc chiến với Ba Tư. Đến thế kỷ thứ 4 trước CN, dưới thời của Phillip II của Macedonia, Hoplite Hy Lạp trải qua sự nâng cấp mạnh mẽ về trang bị, chiến thuật và tiếp tục theo chân Alexander Đại Đế viễn chinh tới tận biên giới Ấn Độ.

 

1. Trang bị

 

Hoplite hay sau này là Phalangites đều là lính bộ binh hạng nặng và được trang bị để chiến đấu trong một đội ngũ khăng khít, hình thành một phòng tuyến vững chắc cho cả hoạt động tấn công lẫn phòng thủ. Vì vậy trang bị của 1 lính Hoplite/Phalangites là khá nặng để có thể thực hiện nhiệm vụ của mình.

 

Vũ khí: Vũ khí quan trọng nhất của một Hoplite là chiếc giáo khoảng 2.7 m gọi là doru. Mặc dù có nhiều ghi chép khác nhau về độ dài của nó, bây giờ thường người ta cho rằng nó khoảng 2,1 - 2,7m, được cầm một tay. Mũi giáo thường cong hình lá cây, cạnh giáo có một que nhọn gọi là sauroter, được dùng để cắm giáo trên mặt đất, mũi nhọn này có thể được sử dụng như vũ khí thứ cấp nếu mũi giáo bị gẫy.

 

 

Phalangites sử dụng một loại giáo dài hơn gọi là Sarissa dài từ 4,5 - 5,5m sau này có loại còn dài tới 6m. Độ dài rất lớn của chiếc giáo được cân bằng trọng lượng bời một đối trọng ở khoảng cuối cây giáo, cũng là thứ được dùng để giúp cây giáo cắm xuống đất. Vì độ dài rất lớn của nó, cân nặng và những sự cân bằng khác, cây sarissa được cầm hai tay. Phalangites không sử dụng khiên lớn như Hoplite mà sử dụng một loại khiên nhỏ hơn là Pelte. Với chiều dài của Sarissa, ít nhất 5 hàng lính có thể đưa vũ khí lên phía trước để chiến đấu, tạo nên bức tường giáo đáng sợ hơn rất nhiều

 

Hoplite và Phalangites cũng mang theo 1 thanh kiếm cho cận chiến tầm gần, thường là 1 thanh Xiphos - một loại kiếm có lưỡi dài khoảng 45 - 60cm nặng khoảng 1,8 - 2kg. Đoản kiếm này sử dụng như vũ khí thứ cấp, chỉ sử dụng khi cận chiến tầm cực gần, để đâm qua khe hở của những tấm khiên hoặc để đuổi theo những kẻ thù đã bỏ chạy. Một loại kiếm khác là Kopis cũng được sử dụng, đây là đoản kiếm 1 lưỡi dài từ 48 - 65cm, nặng khoảng 0,9kg, nhưng dựa vào lưỡi kiếm cong của nó thì có lẽ loại kiếm này được sử dụng bởi kỵ binh nhiều hơn.

 

Khiên: Lính Hoplite sử dụng khiên tròn gọi là Aspis, thường được gọi là Hoplon. Đường kính từ 0,8 - 1m, nặng từ 6,5 - 8kg. Khiên này gồm 3 lớp, lớp ở giữa làm bằng gỗ, lớp ngoài cùng làm bằng đồng, lớp bên trong bằng da thuộc. Khiên này có thể gắn vào cẳng tay người lính để giảm bớt sức nặng và giúp người lính sử dụng khiên dễ dàng hơn.

 

Phalangites sau này sử dụng những ngọn giáo dài tới hơn 5m và phải cầm bằng cả hai tay, vì vậy họ từ bỏ khiên Aspis mà chuyển sang khiên Peltes nhỏ hơn, cũng có phần gắn vào cẳng tay và một dây da quàng qua cổ người lính, điều này giúp bàn tay trái của người lính được tự do để sử dụng vũ khí.

 

Giáp trụ: Thời kỳ thành bang Hy Lạp, người lính phải tự bỏ tiền để vũ trang cho mình, do vậy trang bị của Hoplite không được tiêu chuẩn hóa, nhưng nhìn chung trang bị của họ sẽ bao gồm 1 bộ giáp, một mũ trụ cùng với giáp cẳng chân và cẳng tay (nếu người lính đủ tiền trang bị). Hoplite Hy Lạp được trang bị 1 loại giáp gọi là Panoply làm hoàn toàn từ đồng nặng 32kg, nhưng thường họ sẽ mặc 1 loại giáp phổ biến hơn được làm từ những sợi lanh ép vào nhau gọi là Linothorax, giáp này dày 0,5cm và có thể được phủ những vảy kim loại bên ngoài để tăng độ bảo vệ. Loại mũ đầu tiên được tiêu chuẩn hóa là mũ Corinthian, sau này những loại mũ Chalcidian, Pilos hay Thracian cũng dần trở nên phổ biến.

 

Lính Phalangites dưới thời Phillip II đã trở thành một lực lượng chuyên nghiệp, trang bị của họ được cung cấp bởi nhà nước, nhưng nhìn chung trang bị bảo hộ của họ vẫn tương đối giống Hoplite chỉ có điều là được tiêu chuẩn hóa ở mức độ cao hơn.

 

2. Huấn luyện

 

Thời kỳ thành bang Hy Lạp, các chiến binh ko phải là binh lính chuyên nghiệp nên họ không nhận được nhiều sự huấn luyện quân sự. Tuy nhiên, hoạt động giáo dục thể chất là một phần bắt buộc trong chương trình giáo dục. Tiêu biểu như ở Athen, những đứa trẻ 14 tuổi sẽ được tập các môn như chạy, đấu vật...bên cạnh các môn học văn hóa, đến năm 18 tuổi, nam công dân Athen sẽ phải tham gia chương trình giáo dục quân sự trong 2 năm. Chỉ có một ngoại lệ là Sparta, theo truyền thuyết, những đứa trẻ Sparta được chọn lựa từ lúc mới lọt lòng và chỉ giữ lại những đứa trẻ khỏe mạnh. Trẻ em Sparta phải rời gia đình từ năm 7 tuổi, sẽ phải sống theo nhóm, học cách sinh tồn, các kỹ năng và kinh nghiệm chiến đấu cho đến năm 17 tuổi, đến năm 18 tuổi, thanh niên Sparta sẽ gia nhập lực lượng dự bị và hoạt động như những cảnh sát mật, theo dõi và giết những nô lệ nổi loạn. Đến năm 20 tuổi, anh ta sẽ chính thức gia nhập quân đội và đến năm 30 tuổi, một người Sparta mới được lấy vợ và có đủ quyền công dân. Nếu điều này là đúng thì Quân đội Sparta là lực lượng quân sự chuyên nghiệp đầu tiên trong lịch sử.

 

 

Phillip II của Macedonia xây dựng cho vương quốc của mình một đội quân chuyên nghiệp cùng với đó là một chương trình huấn luyện bài bản. Lính Phalangites giờ đây là những chiến binh chuyên nghiệp được đào tạo và huấn luyện ở cường độ cao bao gồm cả những nội dung như hành quân, chiến thuật, sử dụng vũ khí. Nhờ đó, Phalangites có thể áp dụng những chiến thuật và thực hiện những bước di chuyển phức tạp hơn so với Hoplite. Nhưng phương pháp chiến đấu của Phalanx gần như vẫn ko thay đổi, vì vậy quá trình huấn luyện vẫn tập chung vào việc chiến đấu trong đội hình và sử dụng giáo.

 

3. Chỉ huy

 

Đơn vị chiến thuật nhỏ nhất của Phanlax hậu Macedonia có 256 lính gọi là Syntagma, mỗi Syntagma gồm 16 nhóm, mỗi nhóm 16 người. Mỗi nhóm nhỏ này gọi là Lochos, được chỉ huy bởi 1 Lochagos. Chỉ huy của Syntagma thường đứng ở hàng đầu phía ngoài cùng bên phải. 6 Syntagma tạo thành 1 Taxis 1500 người được chỉ huy bởi 1 Strategos. Một vài Taxi tạo thành 1 Phalanx được chỉ huy bởi 1 Phalangiarch.

 

Tuy có chỉ huy đến những cấp nhỏ nhất, nhưng khi đội hình đã triển khai, những chỉ huy này chỉ còn tác dụng chỉ huy binh lính chiến đấu trong đội hình và duy trì tinh thần chiến đấu của đơn vị. Do đội hình Phalanx buộc phải duy trì sự khăng khít dể phát huy tác dụng, nên những chỉ huy cấp dưới không thể tự ý điều động binh lính của mình tách hàng hay di chuyển theo hướng tấn công khác.

 

4. Chiến thuật

 

Lịch sử ban đầu của phalanx phổ biến là chiến tranh giữa các toán hoplite từ cuộc chiến giữa các thành bang. Kết quả thông thường thì khá giống nhau, những đội hình chai cứng đâm vào nhau cho tới khi một vỡ nát. Hoplite cá nhân thường cầm khiên bên tay trái, không chỉ bảo vệ một mình anh ta mà còn bảo vệ người lính bên trái. Điều này có nghĩa là, một vài người lính ở bên phải phalanx chỉ được bảo vệ một nửa. Trong chiến đấu, những lực lượng phalanx đối địch thường khai thác điểm này bằng cách tấn công lên cánh phải. Điều đó cũng có nghĩa, trong chiến đấu, một đội hình phalanx sẽ phải di chuyển từ từ sang bên phải(để hoplite còn đứng sau khiên che của người đồng đội bên cạnh). Những người lính hoplite kinh nghiệm nhất thường được xếp vào bên phải phalanx, để giải quyết những vấn đề này. Sự tiến hóa rõ nhất trong chiến thuật của phalanx có lẽ là cách tiến quân xiên, nổi tiếng nhất là trong trận Leuctra. Ở đó, tướng Epaminondas đã dàn mỏng cánh phải và trung quân phalanx, và đẩy sâu cánh trái tới 50 hàng, tạo thành một thế trận như cánh rìu. Như vậy, Epaminondas đã đảo ngược tiền lệ là cánh phải phalanx là mạnh nhất. Việc này cho phép quân Thebes tấn công cực mạnh quân tinh nhuệ Sparta ở cánh phải bên kia. Nghĩa là khi đó, trung quân và cánh phải Thebes càng lúc càng lùi dần, giữ cho những phần yếu này không bị tiêu diệt. Khi lính Sparta đã bỏ chạy ở cánh trái Thebes, thì những phần còn lại của đội hình Sparta cũng vỡ nát.

 

 

Phillip II đã làm con tin ở Athen một thời gian và hiển nhiên đã chú ý đến sự phát triển này. Khi quay về quê nhà, ông đã dựng nên một lực lượng bộ binh cách mạng làm thay đổi số phận của thế giới Hy Lạp. Phalangites của Pillip là lực lượng quân đội chuyên nghiệp đầu tiên ở Hy Lạp Cổ không kể đến Sparta. Họ được vũ trang giáo dài hơn và đâm sâu hơn và có chiến thuật và vận động tiến hóa, phức tạp hơn. Quan trọng hơn, phalanx của Phillip là lực lượng đa dạng, kết hợp rất nhiều lính đánh xa và kỵ binh cho phép quân Macedonia thực hiện những chiens thuật phức tạp và đa dạng hơn so với Hoplite truyền thống.

 

5. Điểm yếu

 

Phalanx Hy Lạp về mặt lý thuyết là không thể bị xuyên thủng ở phía trước, nhưng hai cánh và phía sau của nó rất yếu. Hoplite phalanx yếu nhất khi gặp những lực lượng trang bị nhẹ hơn và linh hoạt hơn nếu không có những lực lượng hỗ trợ tương tự. Phalanx Macedonia cũng có điểm yếu tương tự với các hoplite trước. Thêm vào đó, Phalanx Macedonia dễ mất đi sự khăng khít khi di chuyển qua địa hình không thuận lợi, điều này tạo ra khoảng trống giữa các hàng lính và khiến tiền quân mất đi sự chắc chắn. Trong khi đó, sự khăng khít là yếu tố tối quan trọng đối với 1 Phanlax, mất đi yếu tố này, Phalanx cầm chắc thất bại.

 

Sau khi Đế chế mà Alexander Đại Đế gây dựng sụp đổ, những lực lượng quân sự của những vương quốc Hy Lạp phần nào vẫn giữ được những yếu tố của quân đội Alexander Đại Đế, quân đội của họ tiếp tục được trang bị, tổ chức như trước đây cũng như những chiến thuật cũ vẫn được áp dụng. Nhưng càng về sau, cách tiếp cận "Combined Arm" nhìn chung là càng bị giảm bớt. Các đơn bị Phalangites nhìn chung là càng ngày càng ít cơ động hơn so với trước. Vì tất các các vương quốc Hy Lạp đều áp dụng chung một chiến thuật nên những điểm yếu không lộ ra ngay lập tức. Tuy nhiên, khi đội quân Phalanx phải đối đầu với những đối thủ như La Mã hay Parthia, những đối thủ sử dụng những chủng loại quân và chiến thuật hoàn toàn khác biệt, thì vấn đề mới bắt đầu lộ rõ.

 

 

Phần 1

Đức Tuấn
Xem thêm:

Gunny

U98


Có thể bạn quan tâm

EGOPLAY tổ chức giải đấu Tri Ân Khách Hàng, cấm game thủ top, tổng giải hơn 41.000.000 VNĐ

THÔNG BÁO TỔ CHỨC GIẢI ĐẤU 4VS4 RANDOM - TRI ÂN KHÁCH HÀNG THÂN THIẾT EGOPLAY

Chu Xuân Rơi - 23/11/2024

Kết quả chia bảng và lịch thi đấu vòng sơ loại 1 Solo Assyrian giải đấu AoE Thiên Khôi lần 3

Ngay sau khi Cúp Tinh Hoa khép lại, cộng đồng AoE Việt Nam và Trung Quốc sẽ đến với giải đấu tiếp theo là AoE Thiên Khôi lần 3.

Đình Chiến - 21/11/2024

Giải đấu AoE Thanh Hóa 2024 buộc phải hủy bỏ vì không đủ team đăng ký

Nhằm cổ động và thúc đẩy phong trào AoE, một số địa phương vẫn duy trì các giải đấu Tỉnh thường niên, điển hình là Thanh Hóa. Tuy nhiên, tin buồn là AoE Thanh...

Phong Trần - 20/11/2024

Nâng tầm trải nghiệm chơi Đế Chế Online!

Với bộ quy tắc được xây dựng khoa học, tỉ mỉ, dựa trên cơ sở bộ luật chuẩn D3KT của cộng đồng AoE Việt Nam - Trung Quốc, nền tảng EGOPLAY sẽ giúp cho trải...

Phong Trần - 19/11/2024

Lịch thi đấu

Trận đấu mới nhất